- Xem thêm xuất nhập khẩu Nông sản tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Gạo tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Dầu ăn tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Thuỷ sản tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Phân bón tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Sắt thép tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ tại đây;
- Xem thêm thị trường logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam và thế giới quý I năm 2024: diễn biến và dự báo tại đây;
Lĩnh vực xe điện toàn cầu đang được đầu tư rất nhiều nhằm góp phần hướng tới kịch bản phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, kim loại đồng, nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp xe điện, lại đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao. Xu hướng này vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là động lực và cơ hội mới.
Thị trường đồng đứng trước rủi ro nguồn cung siết chặt
Nhu cầu tiêu thụ đồng, kim loại cần thiết trong việc điện hóa mọi thứ, được dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai khi xu hướng chuyển đổi xanh ngày càng được chú trọng. Tuy vậy, với trữ lượng có hạn, không có gì chắc chắn rằng nguồn cung kim loại đỏ này đủ để đáp ứng nhu cầu. Ở thời điểm hiện tại, thị trường đồng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng do hoạt động khai thác tại các mỏ lớn liên tục gặp gián đoạn.
Vào cuối năm ngoái, Cobre Panama, một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 400.000 tấn đồng mỗi năm, đã phải đóng cửa. Trong khi đó, các công ty khai thác lớn như Anglo American hay Vale đều hạ thấp kế hoạch sản xuất đồng trong năm nay và năm tới.
Codelco, tập đoàn khai thác đồng lớn thứ 2 thế giới cũng chứng kiến sản lượng giảm xuống mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung một lần nữa bị đẩy lên cao vào giữa tháng 3 năm nay khi các nhà luyện đồng Trung Quốc, nơi cung cấp hơn 50% sản lượng đồng tinh chế cho thế giới, lại cắt giảm sản lượng.
Cán cân cung – cầu thị trường đồng tinh chế
Đứng trước loạt thách thức này, thị trường đồng tinh chế có nguy cơ thiếu hụt 428.000 tấn trong năm nay, nhiều hơn so với mức thiếu hụt 130.000 tấn của năm ngoái, theo dự báo của Goldman Sachs. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung cũng là nguyên nhân chính giúp giá đồng tăng vọt trong thời gian gần đây.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kể từ đầu tháng 3 tới nay, giá đồng niêm yết trên Sở COMEX đã tăng hơn 22% và hiện đang neo ở vùng giá 10.300 USD/tấn, cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây, càng cho thấy tầm quan trọng của kim loại đỏ này. Trước xu thế chuyển mình sang cuộc cách mạng năng lượng sạch trên toàn cầu, giá đồng vẫn còn nhiều dư địa tăng hơn nữa trong tương lai.
Nhu cầu đồng tăng trưởng phân hóa trong xu hướng xanh
Nghiên cứu của S&P Global đã chỉ ra việc đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 có thể khiến nhu cầu đồng tăng lên 50 triệu tấn vào năm 2035, gấp đôi so với hiện tại. Trong kịch bản phát triển bền vững, công nghệ chuyển đổi năng lượng sạch chính bao gồm sản xuất điện ít carbon (năng lượng mặt trời, năng lượng gió....); xe điện và bộ lưu trữ pin… đều cần rất nhiều đồng.
Theo thống kê của BloombergNEF, một chiếc xe điện cần lượng đồng gấp 5 lần so với một chiếc xe chạy động cơ đốt trong. Trong khi đó, năng lượng mặt trời và gió ngoài khơi cần lượng đồng tương ứng gấp 2 lần và 5 lần số đồng trên mỗi megawatt công suất lắp đặt so với năng lượng được tạo ra bằng khí đốt tự nhiên hoặc than đá.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ đồng tinh chế
Tuy nhiên, công suất điện mặt trời hay điện gió đang trong tình trạng dư thừa khá lớn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, dự trữ tấm pin mặt trời ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng mạnh, với công suất tăng gần gấp đôi so với nhu cầu dự kiến.
Sự mất cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì cho đến năm 2028. Tại Trung Quốc, công suất điện mặt trời ước tính đạt 800 GW – 1.100 GW vào cuối năm 2023, vượt xa nhu cầu toàn cầu là khoảng 300 GW. Do vậy, nhu cầu đồng phục vụ cho ngành năng lượng gió/mặt trời dù lớn nhưng có thể tăng trưởng chậm.
Doanh số bán xe điện trong kịch bản net-zero vào năm 2050
Nhưng trái lại, đối với xe điện, S&P Global cho biết đây sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu đồng trong lĩnh vực năng lượng xanh trong hai thập kỷ tới, chiếm khoảng 55% thị phần.
Hơn nữa, cả sản xuất và tiêu thụ xe điện đều đang tăng trưởng mạnh mẽ, phản ánh triển vọng tươi sáng của ngành. Theo đó, MXV cho rằng tốc độ tăng trưởng nhu cầu đồng ứng dụng trong sản xuất xe điện sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai.
Đầu tư phát triển ngành xe điện là đón đầu xu thế chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh nguồn cung đồng toàn cầu đối mặt với nguy cơ thiếu hụt, việc chủ động nguồn cung để đảm bảo ngành công nghiệp xe điện duy trì sự ổn định là điều rất cần thiết. Hơn nữa, phát triển cơ sở hạ tầng sạc điện và công nghệ pin xe điện cũng cần được chú trọng.
Đánh giá về lĩnh vực xe điện của Việt Nam, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam nhận định: “Ngành công nghiệp xe điện trong nước đang từng bước phát triển và mở rộng, tuy nhiên, nước ta chủ yếu chỉ sản xuất và lắp ráp xe điện. Do đó, để nâng cao giá trị và đón đầu xu hướng chuyển đổi, cần xây dựng ngành xe điện ngay từ khâu chế tạo và sản xuất pin xe điện. Điều này đồng thời sẽ kéo theo sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác, đặc biệt là nâng cao chuỗi giá trị ngành công nghiệp luyện kim, trong đó có đồng”.
Hiện tại, nước ta đã có nhiều nhà máy luyện đồng với công suất khoảng 10.000 tấn/năm, nhưng sản lượng này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu và nước ta chủ yếu vẫn phụ thuộc vào đồng nhập khẩu. Do đó, việc tăng cường đầu tư và đẩy mạnh hoạt động tinh chế để mở rộng ngành luyện đồng trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu là điều cần thiết.
Hơn nữa, đặt trong bối cảnh kim loại đồng có nhiều tiềm năng tăng giá trong dài hạn, việc phát triển ngành luyện kim có thể thúc đẩy giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Link nguồn